Trở Về Đời Thanh

Chương 42: Phiền toái (2)




Dịch giả: gaygioxuong
Biên: Vivian Nhinhi

Vừa lúc đó, nhìn thấy thiếu niên vừa rồi trượng nghĩa ra tay, đã đi tới cạnh Vương Chính Dân xem xét tình trạng thương tích, Dận Chân vội bước lại gần. Bỗng thấy thiếu niên đó nhíu mày, sau đó rút từ trong ngực áo ra một tấm khăn mùi xoa phủ lên mặt Vương Chính Dân. Đến lúc này, Dận Chân mới biết Vương Chính Dân bị thương quá nặng không cứu chữa được nữa rồi, lập tức lửa giận xộc thẳng lên não.

Tang Đô A xử lý xong những người Mông Cổ kia, đi đến bên cạnh Dận Chân, khom người xin chỉ thị: "Thỉnh Tứ gia dạy cho biết. Đám phạm nhân này nên xử trí như thế nào?"

Dận Chân thản nhiên nói: "Ngươi là người phụ trách trị an Kinh đô và vùng lân cận, ngươi cho rằng nên làm như thế nào?" Tang Đô A ngẫm nghĩ một lát rồi đáp: "Hồi bẩm Tứ gia, nô tài cho rằng, nếu đã có liên quan tới bộ lạc Ca Lỗ Đặc Mông Cổ, việc này thực sự không thể xử lý qua loa. Lý Phiên Viện là nha môn công chính, lại phụ trách những việc như thế này, chi bằng đưa qua bên đó. Tứ gia nghĩ sao?"

Dận Chân bảo: "Cũng được. Việc này xem ra còn phải báo cáo cho Hoàng Thượng, chờ ngài hạ ý chỉ, rồi mới quyết định sau." Nói xong, hắn thoáng liếc qua Y Đặc Mộc Căn vẫn còn đang giãy dụa, nói cứ như chỉ cho mình nghe: "Cái đồ hung tàn không có vương pháp này, làm bị thương dân Mãn ta, làm nhục Hoàng Thượng, quả thực đáng giận!" Tang Đô A hiểu ý gật đầu, lập tức thì thào nói một câu: "Nô tài đã hiểu rồi!." Sau đó, y lớn tiếng bảo đám lính bên cạnh: "Các huynh đệ, các vị phải 'Khoản đãi' nồng hậu những vị đại gia Mông Cổ này đấy nhé." Đám binh dạ ran, lập tức vận dụng ám kình vào chân tay, tàn nhẫn ra đòn vào dưới mạn sườn và phần bụng dưới của mấy tên Mông Cổ, nhất là Y Đặc Mộc Căn, riêng y bị hành hạ đau đớn mức gập người lại như tôm luộc, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa.

Dù Dận Chân nhìn chằm chằm vào vị thiếu niên đó một lúc, nhưng gã dường như vẫn đang miên man suy nghĩ về những gì vừa xảy ra, trong lúc nhất thời không có phản ứng gì. Đến khi Dận Chân vỗ vào đầu vai, gã mới giật mình tỉnh táo lại rồi lập tức lật đật cúi người quỳ xuống. Dận Chân hỏi: "Vừa rồi nghe vị tùy tùng thân tín của ngươi nói, hình như phụ thân ngươi là Ngự Sử Tuần thành?" Thấy Dận Chân nhắc đến cha mình, thiếu niên vội vàng gật đầu, trả lời: "Đúng vậy. Cha nô tài vừa mới thăng chức từ Ngự Sử Hà Nam đạo thành Ngự Sử Tuần thành hồi đầu năm." Dận Chân thấy thiếu niên ứng đối trơn tru, trong lòng chợt sinh ra thêm vài phần yêu thích, bèn hỏi tiếp: "Nghe giọng điệu vừa rồi của ngươi, hình như ngươi là người Bát Kỳ?" Thiếu niên đáp: "Một nhà nô tài là Hán quân Chính Lam Kỳ." Dận Chân "a" một tiếng, gật đầu, hỏi tiếp: "Có thể báo lên tên của ngươi không?" Thiếu niên cười tươi tắn, trả lời: "Hồi Tứ gia, nô tài tên Niên Canh Nghiêu (*)." Vừa nghe thấy Dận Chân đã âm thầm giật mình. Không ngờ lại có cuộc gặp gỡ bất ngờ với vị "Niên Đại tướng quân" tương lai khiến cho hắn gần như trở tay không kịp. Trong lòng rối như mớ bòng bong, trong khoảnh khắc Dận Chân thực sự không biết nên nói gì mới tốt, chỉ biết nhìn chằm chằm vào Niên Canh Nghiêu quan sát kỹ lưỡng. Niên Canh Nghiêu vẫn điềm nhiên như thường, nghênh đón ánh mắt dò xét, không có vẻ gì là sợ hãi một chút nào. Rất lâu sau, Dận Chân nhoẻn miệng cười, nói: "Hay cho một Niên Canh Nghiêu, lá gan không nhỏ nha?" Niên Canh Nghiêu không biết Dận Chân muốn nói gì, nên không vội trả lời ngay, mà chỉ tỏ vẻ nghiêm trang nhìn Dận Chân. Dận Chân nói tiếp: "Ngươi dũng cảm đứng ra bênh vực lẽ phải, tuy anh dũng, nhưng nếu là những tên lỗ mãng này thực sự vây lại tấn công, vậy ngươi sẽ làm thế nào?" Niên Canh Nghiêu điềm tĩnh như thường, đáp: "Nơi đây dưới chân thiên tử, sao có thể cho phép hạng côn đồ giương oai? Hơn nữa nô tài đã phòng bị sẵn rồi, lúc nào cũng dẫn theo hai tùy tùng thân tín ở sát bên cạnh. Một trong hai người đã được nô tài phái tới Nha môn Tuần phòng để điều binh, chỉ là không theo kịp phản ứng thần tốc của Tứ gia mà thôi." Dận Chân khẽ gật đầu, mỉm cười khen: "Có gan có kiến thức, không hổ là thiếu niên anh hùng!" Niên Canh Nghiêu lập tức đỏ ửng hết cả mặt mày, ngượng ngùng nói: "Tứ gia giễu cợt nô tài rồi!"

Sau khi khi bắt chuyện với Niên Canh Nghiêu và tùy tùng thân tín của gã một lúc, Dận Chân mới biết được, cha Niên Canh Nghiêu, Niên Hà Linh đảm nhiệm chức Ngự sử Hà Nam đạo có thể coi là thanh liêm, mực thước. Trong đợt khảo sát vừa rồi, lão đã trổ hết tài năng, đáng lẽ ra đã được điều ngay lên Kinh nhậm chức cao hơn, nhưng là vì thuộc Quân Hán kỳ, lại còn là một trong Hạ ngũ kỳ, hơn nữa còn không tìm được chỗ dựa, cũng chẳng có bạc vàng mà lót đường tới chỗ Minh Châu, cuối cùng chỉ được điều đến nhậm chức Ngự Sử Tuần thành vô tích sự, một chức quan Thất phẩm thấp bé trong quan trường không hơn không kém. Niên Hà Linh chán nản với con đường làm quan của chính mình, bởi vậy bèn ký thác toàn bộ hi vọng vào hai đứa con trai là Niên Hi Nghiêu và Niên Canh Nghiêu. Hai anh em, sáu tuổi học xong vỡ lòng, Hi Nghiêu đã trúng tú tài, Canh Nghiêu thì sắp tham gia thi vào học viện.

Dận Chân buộc phải than thở một phen. Minh Châu là Thượng thư bộ Lại, lẽ ra nên tuyển người có tài thực sự cho triều đình, không ngờ lại lén lún mua quan bán tước ngông cuồng đến như thế. Nhưng Minh Châu lại hợp với Đại a ca, hắn thực sự không tiện bình luận bất cứ câu gì, vì vậy đưa cho Niên Canh Nghiêu túi thơm trên người, bảo gã ba ngày sau tới phủ Dụ Thân Vương gặp gỡ. Niên Canh Nghiêu mừng rỡ, có thể nương vào hoàng tử đương triều, đối với toàn gia gã, có thể nói chẳng khác gì một cái bánh từ trên trời rơi xuống.

Sau khi vội vã chia tay với Niên Canh Nghiêu, Dận Chân không tới phủ Dụ Thân Vương nữa, mà quay luôn về cung, đi thẳng tới Thượng thư phòng.

Ngay cửa Thượng thư phòng đụng phải Lý Đức Toàn, hắn được thông báo cho biết, Khang Hi đang cùng với mấy người Sách Ngạch Đồ, Minh Châu, Cao Sĩ Kỳ, Đông Quốc Duy, Hùng Tứ Lý đang nghị sự đại thần trong Thư phòng. Dận Chân đành lặng lẽ quỳ ngoài cửa chờ Khang Hi truyền vào gặp.

Sau một lúc lâu, chợt nghe được bên trong vọng ra tiếng Khang Hi: "Truyền Dận Chân vào!" Dận Chân chỉnh đốn lại áo bào, sửa sang lại thắt lưng áo rồi đi theo Lý Đức Toàn vào Thượng thư phòng, thỉnh an Khang Hi, lại hành lễ tượng trưng với Hùng Tứ Lý (Hùng Tứ Lý là Tổng sư phụ nam Thư phòng). Gần đây, Khang Hi rất coi trọng vấn đề cấp bậc lễ nghĩa, suốt ngày phê bình tật xấu này của các hoàng tử, cho nên Dận Chân phải làm cho đủ lễ.

Khang Hi cau mày, hỏi: "Giờ này, ngươi không đi luyện cỡi ngựa bắn cung, đến Thư phòng làm gì? Nơi đây chẳng lẽ là chỗ dạo chơi hay sao?"

Thấy Khang Hi nổi giận vì mình, Dận Chân vẫn không vội giải thích, trước tiên dập đầu thỉnh tội, sau đó mới nói: "Nhi thần đúng ra đi tới phủ Dụ Thân Vương học tập súng đạn với hoàng bá phụ, không ngờ trên đường gặp cuồng đồ hành hung." Tiếp đó kể lại hai năm rõ mười những gì xảy ra ở khu Bắc Quán cho Khang Hi nghe.

Sau khi Khang Hi nghe xong, gương mặt tỏ ra đăm chiêu, nửa cười nửa không hỏi dò: "Chư vị thấy thế nào? Nên xử lý mấy người Mông Cổ đó thế nào?"

Đông Quốc Duy mới gia nhập Thư phòng không lâu, không kìm giữ được thái độ thản nhiên như mấy vị còn lại, tranh nói trước: "Nô tài cho rằng, dù Cát Nhĩ Đan lấn lướt Đại Thanh ta, triều đình vẫn phong tước Vương, đã đủ chứng minh lòng khoan dung của Hoàng Thượng. Nhưng kẻ này lại năm lần bảy lượt khiêu khích, còn tự phong cho mình là Bác Thạc Khắc Đồ Hãn, đã thế còn thượng tấu triều đình yêu cầu cấm dân vùng biên ta nhập cảnh vào đất của mình để tiến hành mậu dịch, không có lòng thần phục rõ rành rành. Lần này, người của kẻ này dám ngang tàng gây loạn ở kinh đô và vùng lân cận. Nếu như không nghiêm trị, làm sao có thể thể hiện rõ ra được oai phong của Thiên Triều ta?"

Sách Ngạch Đồ vẫn luôn không vừa mắt với Đông Quốc Duy. Tự cho rằng ông chỉ nhờ vào nguyên nhân có quan hệ thông gia mới được tấn phong làm đại thần, lần này lại tranh nêu ý kiến trước mọi người, thật sự không ra thể thống gì, thành ra có ý định mỉa mai ông, vì vậy ông ta bèn nói: "Hoàng Thượng, theo ngu ý của nô tài, việc này phải xử lý thận trọng. Hai ngày trước, nô tài đã xem qua tấu của Lý Phiên Viện, tên Y Đặc Mộc Căn đó là phó sứ tiến cống triều đình lần này của Cát Nhĩ Đan. Nếu thật sự xử tội, e rằng bên phía Cát Nhĩ Đan sẽ nổi loạn. Triều đình vừa mới thu phục Đài Loan không lâu, phía nam có nhiều việc cần xử lý, trong quốc khố lại đang thiếu bạc, bên cạnh đó, như vừa mới nghị sự, Nga vẫn luôn quan sát hướng đi của quân ta. Nếu như Tây Bắc lại nổi lên chiến loạn, quân ta điều về phía tây, nhiều khả năng La Sát sẽ thừa cơ quấy rối. Đến lúc đó, phải làm thế nào cho đúng đây?"

Minh Châu, lúc này đang kiêm nhiệm cả Thượng thư Binh Bộ, cười gằn một tiếng nói: "Sách tướng, Cát Nhĩ Đan chẳng qua chỉ là loài lang chồn, làm sao có thể đánh đồng với quân Bát kỳ như hổ như sói của ta? Hoàn toàn không cần điều quân đồn trú Đông Bắc, chỉ cần dùng một nhánh quân Lục doanh ở Thiểm Cam để đối phó vậy là đã đủ rồi."

Hùng Tứ Lý là văn thần, lại là quan viên người Hán. Thấy mấy vị hoàng thân Mãn Châu tranh cãi đến trời long đất lở, lão nín lặng không nói năng gì, chỉ đứng ngoài cuộc quan sát xem thế nào.

Thấy Cao Sĩ Kỳ có vẻ như đã nghĩ ra điều gì đó, Khang Hi bèn hỏi: "Giang Thôn, cách nhìn nhận của ngươi thế nào?"

Vì trước đó đã từng có lần thảo luận với Khang Hi về việc Cát Nhĩ Đan, cho nên Cao Sĩ Kỳ đã nắm được ý của ông, đáp lại luôn: "Thần cho rằng, việc này đơn giản."

Khang Hi mỉm cười, bảo: "Giờ ngươi đã là quan to nhất phẩm, nhưng vẫn giữ nguyên cách nói lúc nào cũng dọa người khác sợ chết khiếp thế này. Tốt, vậy nói thử coi chuyện này tại sao lại đơn giản? Nói không đúng, trẫm chắc chắn sẽ không tha cho ngươi."

Tỏ vẻ như đã biết trước, Cao Sĩ Kỳ nói: "Thần tuân chỉ! Chỉ tóm lại có một câu: 'Vương tử phạm pháp, tội như thứ dân' ."

Sách Ngạch Đồ lập tức tức giận ra mặt, tâu: "Nô tài thỉnh hoàng thượng trị Cao Sĩ Kỳ tội đại bất kính. Trong thượng thư phòng ngày hôm nay, từ hoàng thượng cho đến mấy vị đại thần chúng thần có mặt ở đây, có người nào không biết rõ pháp luật Đại Thanh đâu, luật lệ kia có ai mà chẳng biết, nhưng nói thì dễ làm thì khó. Hành động lần này của Cao Sĩ Kỳ không tránh khỏi hiềm nghi cố ý lòe thiên hạ."

Cao Sĩ Kỳ bị trách móc nhưng mặt vẫn không đổi sắc, chỉ nhìn vào mỗi Khang Hi.

Khang Hi xua tay, nói: "Cao Sĩ Kỳ, ngươi nói cho rõ ràng ra một chút. Nếu không, ngươi cũng thấy đấy, Sách Ngạch Đồ là người đầu tiên muốn vạch tội ngươi."

Cao Sĩ Kỳ bình chân như vại, đáp: "Pháp luật là gốc rễ của triều đình vững mạnh, không vì tư mà phế bỏ, cũng không thể vì tình thế mà ngoắt nghoéo. Nếu không triều đình dựa vào cái gì để cai quản dân chúng, dựa vào cái gì bàn luận công bằng? Điều thứ nhất. Cát Nhĩ Đan vạch rõ biên giới phân chia đất đai, ý đồ không gì khác ngoài thăm dò phản ứng của hoàng thượng và triều đình, ta lui hắn tất tiến. Nếu phóng thích những kẻ hung đồ kia, Cát Nhĩ Đan tất cho rằng hoàng thượng là người dễ bắt nạt, sẽ lấn tới làm ra hành động nghiêm trọng hơn; Đây là điều thứ hai. Điều thứ ba, việc này vừa xảy ra xong, toàn bộ Phiên vương các bộ lạc Mông Cổ đều gióng mắt nhìn xem hoàng thượng xử lý như thế nào. Nếu như không tiến hành trừng trị, làm sao trấn áp được các phiên vương khác? Vậy có lẽ lại có thêm một Cát Nhĩ Đan nữa chưa biết chừng."

Khang Hi lập tức gật đầu tán thành, nói: "Đúng là như vậy. Cao Sĩ Kỳ, ngươi viết chỉ."

Cao Sĩ Kỳ vội vàng bước tới trước án, trải cuộn vải lụa vàng ra, cầm sẵn bút chờ Khang Hi hạ chỉ. Khang Hi suy nghĩ một lát rồi đọc: "Kẻ cầm đầu vụ giết người, Y Đặc Mộc Căn bị phán tội chém đầu. Các tòng phạm còn lại, chuyển sang nha môn quan lại thẩm tra xử lí, sau đó xử theo luật Đại Thanh."

Lại nói tiếp: "Lại phát một đạo minh chiếu cho Cát Nhĩ Đan và tất cả phiên vương các bộ lạc, bối lặc, đài cát và Thổ ty Vân Nam: "Nay người chánh sứ tiến cống của ngươi, không cai quản chặt tùy tùng, để mặc nhiễu loạn gây hại, bởi thế hành hung chết dân kinh sư, phải gánh trách nhiệm tương ứng vậy. Trước tội tranh giành đất đai của các ngươi không đáng kể, trẫm biết nhưng có lòng khoan dung. Chính vì nhân nhượng ngươi thuận theo Thiên Triều, nhiều lần khoan dung, nhiều lần hiểu dụ, không ngờ các ngươi lại hoàn toàn không biết điều, hành hung gây hậu quả chết người trong nội địa. Nếu không đền tội theo luật pháp, ngày sau nhất định sẽ dần dần càng phóng túng, gây ra họa lớn dù có đánh dẹp cũng không thể bình định. Hung thủ cầm đầu vụ hành hung gây ra án mạng là Y Đặc Mộc Căn sẽ xử trảm công khai, để cho các ngươi lấy đó làm gương mà thức tỉnh. Từ nay về sau, các ngươi cần cẩn trọng tuân theo luật, quản lý nghiêm người bên dưới, không được hành xử buông thả, độc ác, ngông cuồng."

Vừa mới nói dứt lời, Cao Sĩ Kỳ đã dâng ngay lên ý chỉ còn chưa ráo mực. Khang Hi cẩn thận đọc một hết lượt, bảo: "Được rồi, đóng dấu đi." Lý Đức Toàn nhanh nhẹn dâng Ngọc tỷ trên bàn lên. Khang Hi cầm lấy đóng dấu ấn hoàng đế, rồi sai Lý Đức Toàn đi Lý Phiên Viện truyền chỉ.

Sau đó mới quay sang khen Dận Chân: "Việc này, ngươi làm rất tốt, nhạy bén điềm tĩnh, xử lí lại rất thoả đáng. Trẫm phải thưởng cho ngươi."

Sau đó gọi Đốc công thái giám là Hình Niên, sai y đi lấy một chiếc đồng hồ quả quýt mà người Tây Dương vừa tiến cống năm nay, thưởng cho Dận Chân.

Dận Chân nghe thấy được ban thưởng như vậy, trong lòng phập phồng bất an. Hắn biết rõ, trong số toàn bộ các hoàng a ca, chỉ có thái tử được một chiếc. Giờ hoàng đế thưởng cho mình một chiếc khác, không biết thái tử sẽ nghĩ thế nào.

====
(*)Niên Canh Nghiêu (chữ Hán: 年羹尧, phiên âm Mãn Châu: niyan geng yoo, 1679-1726), tự Lượng Công (亮功), hiệu Song Phong (双峰), là một đại thần thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông được xem là người có vai trò quan trọng trong suốt hai triều Khang Hy và Ung Chính.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.