Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 100




HỒI 100

Quân Hán cướp trại, phá Tào Quân;

Võ Hầu đấu trận, nhục Trọng Đạt.

Các tướng thấy Khổng Minh không đuổi quân Ngụy, bèn vào trướng bẩm rằng:

- Quân Ngụy khổ sở vì mưa, không ở lại được, phải rút về, chính nên thừa cơ mà đuổi, cớ sao thừa tướng lại không đuổi?

Khổng Minh nói:

- Tư Mã Ý biết phép dùng binh, rút quân về tất có mai phục, nếu ta đuổi theo ắt trúng kế. Không bằng mặc cho y về, ta sẽ chia binh ra thẳng hang Tà Cốc, đến lấy Kỳ Sơn, khiến cho quân Ngụy không biết đâu mà đề phòng trước.

Các tướng hỏi:

- Lấy Trường An cũng có lắm đường, thừa tướng chỉ muốn ra Kỳ Sơn, là cớ làm sao?

Khổng Minh nói:

- Kỳ Sơn là đầu xứ Trường An, kéo quân vào các quân Lũng Tây tất cả phải qua đường ấy, vả lại, mé trước sát sông Vị, mé sau dựa vào hang Tà Cốc, ra bên nọ vào bên kia, có thể dùng được kế mai phục. Đó là đất dụng võ, cho nên trước hết ta muốn dụng được chỗ địa lợi ấy.

Các tướng chịu là phải.

Khổng Minh sai Ngụy Diên, Trương Ngực, Đỗ Quỳnh, Trần Thức ra cửa hang Cơ Cốc, Mã Đại, Vương Bình, Trương Dực, Mã Trung, ra cửa hang Tào Cốc, cùng hội tại núi Kỳ Sơn. Khổng Minh thống lĩnh đại binh, sai Quan Hưng, Liêu Hóa làm tiên phong, kéo đi sau.

Tào Chân, Tư Mã Ý sai người đi đoạn hậu giám đốc quân mã. Lại sai người dò xét đường Trần Thương thì không thấy có quân Thục đuổi theo. Được mươi ngày nữa, các tướng mai phục ở mặt sau, không thấy gì, cũng rút về.

Tào Chân nói:

- Mưa thu ròng rã, đường sá đổ nát, quân Thục biết đâu được ta rút quân mà đuổi theo?

Tư Mã Ý nói:

- Quân Thục theo ra ngay bây giờ đấy!

Chân hỏi:

- Sao ông biết?

Ý nói:

- Luôn mấy hôm nắng ráo, quân Thục không ra, đó là biết rằng ta có mai phục, cho nên mặc cho ta đi xa. Đợi quân ta đi khỏi rồi họ tất ra cướp Kỳ Sơn không sai.

Tào Chân chưa tin.

Ý nói:

- Tử Đan sao lại không tin? Tôi chắc Khổng Minh tất qua hai cửa hang đến đây. Tôi với Tử Đan mỗi người một cửa, hẹn trong mười ngày, nếu không có quân Thục đến, tôi xin bôi phấn hồng vào mặt, mình mặc áo đàn bà, vào trại trị tội.

Chân nói:

- Nếu có quân Thục đến, tôi xin đem biếu ông cả đai ngọc và con ngựa quý của thiên tử ban cho.

Liền chia quân làm hai ngả. Chân dẫn một nửa đóng ở cửa hang Tà Cốc, mé tây núi Kỳ Sơn, Ý dẫn một nửa đóng ở cửa hang Cơ Cốc, mé đông núi Kỳ Sơn. Hạ trại đâu đấy, Ý dẫn một toán phục trước trong hang núi, còn quân mã khác, chia ra đóng các đường hiểm yếu.

Ý ăn mặc áo lính, đi lẫn vào trong bọn quân xem xét các trại. Đến một trại, Ý thấy một tì tướng đứng ngẩng mặt lên trời la toán rằng:

- Mưa dầm mãi thế này, còn chưa thèm về cho! Nay lại đóng quân ở đây để đánh đố nhau, chẳng khổ sở quân sĩ lắm sao?

Ý nghe nói, về trại lên trướng, hội hết cả các tướng lại, gọi tên tì tướng ấy ra, mắng rằng:

- Triều đình, ngày thường nuôi quân, lúc có việc mới dùng. Mày sao dám la than, để làm ngã lòng quân?

Tên tì tường ấy không chịu nhận. Ý gọi đồng đội ra làm chứng. Tên ấy hết đường chối cãi.

Ý nói:

- Ta không phải là muốn đánh đố nhau làm gì, chỉ muốn đánh được quân Thục, cho chúng mày có công với triều đình. Mày sao dám nói càn, để rước vạ vào thân?

Liền quát võ sĩ lôi ra chém. Một lát võ sĩ vào dâng đầu dưới trướng. Các tướng sợ rợn tóc gáy.

Ý nói:

- Chư tướng các ngươi, nên phải hết lòng đề phòng quân Thục. Nghe tiếng pháo ở trong quân nổi lên lúc nào thì bốn mặt cùng phải đổ ra mà đánh.

Các tướng vâng lệnh, lui ra.

Ngụy Diên, Trương Ngực, Trần Thức, Đỗ Quỳnh, bốn tướng dẫn hai quân kéo ra cửa hang Cơ Đốc. Đang đi, gặp tham mưu là Đặng Chi đến. Bốn tướng hỏi có việc gì.

Chi nói:

- Thừa tướng truyền các tướng ra hang Cơ Cốc phải đề phòng quân Ngụy mai phục, chớ có khinh tiến.

Trần Thức nói:

- Thừa tướng sao mà đa nghi thế? Quân Ngụy gặp phải mưa to một dạo, y giáp mất cả, tất nhiên vội về, làm gì có quân phục nữa! Nay quân ta đi gấp đường vào, chắc lấy Kỳ Sơn dễ như không, sao lại không cho đi vội?

Chi nói:

- Thừa tướng nghĩ mẹo gì cũng trúng, lập mưu gì cũng thành, ngươi chớ có trái lệnh!

Thức cười rằng:

- Thừa tướng nếu thực đa mưu, đã không đến nỗi thua ở Nhai Đình.

Ngụy Diên nghĩ đến khi trước Khổng Minh không theo kế mình, cũng cười, nói rằng:

- Thừa tướng nếu nghe lời ta, ra tắt hang Tí Ngọ chẳng những đã lấy được xong Trường An, mà cả Lạc Dương cũng đã về tay rồi, còn đâu đến giờ? Nay cứ một mực ra Kỳ Sơn mà hiệu lệnh bất nhất như thế.

Thức nói:

- Ta chỉ một mình, dẫn năm nghìn quân ra tắt hang Cơ Cốc, đến trước Kỳ Sơn hạ trại, xem thừa tướng có xấu hổ với ta không?

Chi gàn lại hai ba lần Trần Thức không nghe, tự dẫn năm nghìn quân ra tắt hang Cơ Cốc, Đặng Chi không sao ngăn được, phải trở về báo với Khổng Minh.

Trần Thức đi được vài dặm, bỗng nghe một tiếng pháo nổ, quân phục bốn mặt đổ ra. Thức vội vã rút về, thì đã bị quân Ngụy đầy núi tràn hang, vây kín lại như vòng đai sắt. Thức xông xáo cố tháo đường chạy, nhưng cũng không sao ra được. Chợt có tiếng reo ầm ầm, một toán quân xông vào, té ra Ngụy Diên đến cứu Thức mới chạy thoát được về, năm nghìn quân chỉ còn được bốn năm trăm tên bị thương. Quân Ngụy đuổi theo, may có Trương Ngực, Đỗ Quỳnh đem quân ra tiếp ứng, quân Ngụy mới lui.

Trần, Ngụy hai người, bấy giờ mới tin Khổng Minh biết trước như thần, hối lại thì không sao được nữa.

Đặng Chi về ra mắt Khổng Minh, kể lại chuyện Ngụy Diên, Trần Thức. Khổng Minh cười rằng:

- Ngụy Diên vẫn có tướng làm phản, nhưng vì ta còn tiếc hắn khỏe mạnh mà không dùng đó thôi, nếu để lâu tất có khi sinh vạ.

Đang nói chuyện thì ngựa lưu tinh về báo rằng:

- Trần Thức tổn mất hơn bốn nghìn người, chỉ còn bốn năm trăm quân mã bị thương đóng ở trong hang.

Một mặt Khổng Minh sai Đặng Chi đến Cơ Cốc phủ dụ Trần Thức, phòng có sinh biến gì chăng. Một mặt gọi Mã Đại, Vương Bình đến dặn rằng:

- Nếu có quân Ngụy phòng giữ Tà Cốc, hai ngươi dẫn quân bản bộ vượt qua núi mà đi, đêm đi ngày nghỉ, ra nhanh mé tả núi Kỳ Sơn, đốt lửa lên làm hiệu.

Đoạn gọi Mã Trung, Trương Ngực đến dặn rằng:

- Các ngươi men theo con đường nhỏ trong núi, ngày phục đêm đi, ra tắt mé hữu núi Kỳ Sơn, đốt lửa lên làm hiệu, hội nhau với Mã Đại, Vương Bình, để cướp trại Tào Chân. Ta thì từ đường trong hang kéo đến. Ba mặt vây lại mà đánh, chắc phá được quân Ngụy.

Bốn tướng lĩnh mệnh, chia đường kéo đi.

Khổng Minh lại gọi Quan Hưng, Liêu Hóa ra dặn nhỏ mưu kế, hai người vâng mệnh dẫn quân ra đi.

Khổng Minh gấp đường tiến quân. Đang đi, lại gọi Ngô Ban, Ngô Ý, dặn dò mật kế, cho dẫn binh đi trước.

Tào Chân trong bụng không tin có quân Thục đến, bởi thế trễ nải, cho quân sĩ nghỉ ngơi, chỉ đợi mười ngày không có việc gì, thì làm nhục Tư Mã Ý. Giữ được bảy hôm, chợt có người báo rằng có quân Thục đến hang. Chân sai phó tướng Tần Lương dẫn năm nghìn quân ra tuần tiễu không cho quân Thục đến gần cõi. Tần Lương lĩnh mệnh dẫn quân đi. Vừa ra khỏi cửa hang thì thấy quân Thục rút chạy. Lương dẫn quân đuổi theo, được năm sáu mươi dặm, không thấy quân Thục đâu nữa. Lương trong lòng nghi hoặc, cho quân xuống ngựa nghỉ ngơi. Chợt có tiễu mã lại báo trước mặt có quân mai phục. Lương lên ngựa trông xem, đã thấy trong hang núi bụi mù, quân Thục xông ra. Lương sai quân sĩ đề phòng thì tiếng reo bốn phía núi nổi lên như sấm, trước mặt có Ngô Ban, Ngô Ý dẫn quân ùa tới, sau lưng có Quan Hưng, Liêu Hóa kéo lại. Hai bên toàn núi; không có đường nào chạy. Quân Thục ở trên núi gọi to lên rằng:

- Ai xuống ngựa đầu hàng thì tha chết cho!

Quân Ngụy quá nửa xin hàng. Tần Lương ra đánh, bị Liêu Hóa chém chết.

Khổng Minh bắt giữ tất cả quân hàng ở lại hậu quân; cởi lấy áo giáp, cho năm nghìn quân Thục mặc vào, giả làm quân Ngụy, sai Quan Hưng, Liêu Hóa, Ngô Ban, Ngô Ý bốn tướng dẫn toán quân ấy, đến thẳng trại Tào Chân, cho người vào báo trước rằng chỉ có một ít quân Thục, đã đuổi đi hết cả rồi. Tào Chân mừng lắm. Chợt có người tâm phúc của Tư Mã Ý sai đến. Chân gọi vào hỏi. Người ấy thưa rằng:

- Quân Thục dùng kế mai phục, giết mất hơn bốn nghìn quân Ngụy. Tư Mã đô đốc tôi cho lại bẩm với tướng quân, xin chớ cho là việc đánh đố, phải dụng tâm mà đề phòng mới được.

Chân nói:

- Ở đây không có một đứa quân Thục nào.

Bèn cho người ấy về. Chợt có tin báo Tần Lương đã trở về, Tào Chân liền ra ngoài đón vào. Khi toán quân ấy đến gần, bỗng dưng ở mé sau trại bốc cháy hai chỗ. Chân vội vàng trở về xem sao, Quan Hưng, Liêu Hóa, Ngô Ban, Ngô Ý hô quân Thục nổi lên ở trước trại. Mã Đại, Vương Bình từ mặt sau đánh đến; Mã Trung, Trương Ngực cũng dẫn quân kéo lại. Quân Ngụy không kịp trở tay, quân Thục đã kéo ùa cả vào. Quân Ngụy chạy tản lạc ra bốn phía. Các tướng Tào kèm giữ Tào Chân chạy về phía đông. Quân Thục đuổi đánh. Tào Chân đang chạy, bỗng tiếng reo nổi lên. Chân rụng rời hết vía, nhưng quân đến nơi, té ra là Tư Mã Ý. Ý thúc quân đánh nhau dữ dội, quân Thục mới lui.

Tào Chân được thoát, thẹn thùng không biết ngần nào.

Ý nói:

- Gia Cát Lượng đã cướp mất địa thế Kỳ Sơn rồi. Chúng ta ở lâu đây không được, nên đến bờ sông Vị hạ trại, sẽ liệu kế khác.

Chân hỏi:

- Trọng Đạt sao biết ta thua mà đến đây?

Ý nói:

- Ta thấy người trước về báo Tử Đan bảo không có một tên quân Thục nào. Ta chắc Khổng Minh đến ngầm cướp trại, cho nên đến đây. Nay quả nhiên mắc phải mẹo thực, xin đừng nói đến việc đánh đố làm gì, chỉ nên đồng tâm mà báo quốc.

Tào Chân vừa thẹn vừa tức, khí uất lên thành bệnh, nằm bẹp một xó giường không dậy được, đóng quân ở lại bờ sông Vị. Tư Mã Ý sợ nao bụng quân, không dám để Tào Chân rút quân về.

Khổng Minh kéo đại quân, lại ra đóng ở Kỳ Sơn. Thao quân đâu đấy, Ngụy Diên, Trần Thức, Đỗ Quỳnh, Trương Ngực vào trướng, lạy phục xuống đất xin lỗi.

Khổng Minh hỏi:

- Ai làm tổn thiệt quân sĩ?

Diên nói:

- Trần Thức không nghe hiệu lệnh, cố ý vào ngầm cửa hang, đến nỗi có trận thua ấy.

Thức nói:

- Ngụy Diên xui tôi.

Khổng Minh mắng rằng:

- Hắn đến cứu ngươi, lại còn đổ vấy gì cho hắn? Ngươi dám sai tướng lệnh, không phải nói lôi thôi làm chi! Liền sai võ sĩ lôi Trần Thức ra chém rồi treo đầu ở trước trại, để răn các tướng.

Khổng Minh chém xong Trần Thức, bàn việc tiến binh. Bỗng có mật thám về báo rằng Tào Chân bị đau, hiện đang phải phục thuốc ở trong trại.

Khổng Minh mừng lắm, bảo các tướng rằng:

- Tào Chân bệnh nhẹ, thì tất về Trường An. Nay quân Ngụy không rút lui, tất là Chân bị bệnh nặng, cho nên phải lưu ở lại, để yên bụng quân. Ta viết một phong thư, sai quân của Tần Lương cầm về đưa cho Tào Chân. Nếu hắn trông thấy thư này, tất nhiên phải chết.

Bèn gọi quân hàng đến dưới trướng, bảo rằng:

- Chúng mày là quân Ngụy, cha mẹ vợ con ở cả Trung Nguyên, không nên ở lâu trong Thục này. Ta cho chúng mày về nhà, có muốn không?

Chúng cùng khóc, thụp xuống lạy tạ.

Khổng Minh lại bảo rằng:

- Tào Tử Đan có hẹn với ta một việc. Ta có bức thư này, chúng mày mang về đưa cho Tử Đan, sẽ có thưởng to.

Quân Ngụy lĩnh thư, chạy về trại nhà, đem trình với Tào Chân. Chân gượng dậy, mở xem.

Thư rằng:

“Thừa tướng nhà Hán Võ hương hầu là Gia Cát Lượng, gửi bức thư này cho đại tư mã Tào Tử Đan được biết:

Ôi phép làm tướng,

Phải biết mềm biết cứng,

Biết lo biết lưỡng,

Biết lui biết tới,

Biết nhược biết cường,

Vững vàng như núi đá,

Biết hóa như âm dương,

To tát như trời đất,

Đầy đủ như kho tàng,

Rộng mênh mang như bốn bể,

Sáng vằng vặc như tam quang,

Biết thiên văn, khi mưa khi nắng,

Thuộc địa lí, chỗ hiễm chỗ thường,

Thế trận khó dễ cần phải hiểu,

Tài giặc hay dở cần phải tường,

Than ôi!

Bọn bây hậu bối,

Trái lẽ khung thương,

Giúp quân phản tặc,

Chiếm hiệu đế vương

Đem quân thừa ra Tà Cốc

Gặp mưa dầm ở Trần Thương

Thủy bộ khốn đốn,

Quân mã cuống cuồng.

Cờ giáp quăng ra đầy nội,

Gươm giáo bỏ lại khắp đường.

Đô đốc hãi hùng như chó chạy,

Tướng quân lẩn núp tựa chuột hang

Mặt nào còn trông thấy phụ lão?

Mặt nào còn vào nơi sảnh đường?

Vết xấu ghi vào sử sách,

Tiếng tăm truyền để bẽ bàng.

Trọng Đạt trông thấy trận đã hết vía,

Tử Đan nghe tiếng gió cũng kinh hoàng

Tướng ta như rồng như hổ,

Quân ta vừa thịnh vừa cường.

Quét Tần Xuyên làm nơi đất phẳng

Đạp nước Ngụy làm gò bỏ hoang.

Nay thư.”

Tào Chân xem xong, khí đầy, tức ruột, chiều hôm ấy chết ở trong quân.

Tư Mã Ý khâm liệm tử tế, bỏ quan vào binh xa, sai người đưa về Lạc Dương an táng.

Ngụy chủ thấy Tào Chân chết rồi, giáng chiếu thúc Tư Mã Ý ra đánh. Ý dẫn đại quân đến địch nhau với Khổng Minh. Hôm ấy sai người đưa luôn chiếu thư đến.

Khổng Minh bảo với các tướng rằng:

- Tào Chân tất chết rồi. Liền phê vào chiếu thư “Ngày mai quyết chiến”, rồi trao cho sứ giả cầm về.

Đêm hôm ấy, Khổng Minh gọi Khương Duy, Quan Hưng đến dặn dò mẹo mật. Hôm sau, cất hết quân ở Kỳ Sơn, đến cạnh bờ sông Vị. Chỗ ấy, một bên thì sông, một bên thì núi, ở giữa là một khu đồng bằng rộng rãi, làm một nơi chiến trường thì vừa khéo. Quân mã hai bên ra tại đó dàn trận. Dứt ba hồi trống, Tư Mã Ý ở trận Ngụy từ trong cửa cờ đi ra, các tướng theo sau. Bên trận Thục, Khổng Minh ngồi chĩnh chện trên xe, tay cầm quạt lông phe phẩy.

Tư Mã Ý nói trước lên rằng:

- Chủ ta bắt chước vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn khi xưa, truyền nhau hai đời rồi, ngồi trấn ở Trung Nguyên, thế mà còn dùng cho Ngô, Thục hai nước. Đó là chủ ta nhân từ, e rằng đánh thì hại lây đến trăm họ. Ngươi là một tên đi cày ở Nam Dương, không biết số trời, cũng đến xâm phạm Trung Nguyên, lẽ thì giết đi mới phải, nhưng ta hãy rộng dung cho. Nếu ngươi chừa đi thì, nên trở về cho mau, đâu giữ bờ cõi đấy, để thành cái thế chân vạc, nhân dân khỏi khổ ải, mà bọn ngươi cũng được toàn thân.

Khổng Minh cười, nói:

- Ta chịu việc thác cô của tiên đế rất trọng, nên phải dốc lòng hết sức để tiểu trừ nghịch tặc. Họ Tào nhà mày tất bị nhà Hán giết sạch. Cha ông mày trước cũng làm tôi nhà Hán, đời đời ăn lộc, thế mà chẳng biết nghĩ báo ơn, lại giúp quân giặc cướp, không biết xấu hổ à?

Ý thẹn đỏ mặt tía tai, nói gượng rằng:

- Ta quyết một trận sống mái với ngươi, hễ ngươi đánh được, ta thề không làm đại tướng nữa. Nhược bằng ngươi có thua chăng nữa, ta cũng đại xá, cho ngươi về quê quán mà ở, không thèm giết làm chi.

Khổng Minh nói:

- Ngươi muốn đấu tướng, đấu binh, hay đấu trận pháp?

Ý nói:

- Trước hết hãy đấu trận pháp.

Khổng Minh nói:

- Ngươi bày trận trước cho ta xem!

Ý vào trung quân, cầm một lá cờ vàng, phe phẩy một lúc, bày ra một trận, rồi lên ngựa ra cửa trận hỏi rằng:

- Ngươi có biết đây là trận gì không?

Khổng Minh nói:

- Trận ấy, tên tướng hèn hạ trong quân ta cũng bày được. Đó là trận “Hỗn nguyên nhất khí” chớ gì?

Ý nói:

- Nay ngươi bày trận cho ta xem.

Khổng Minh vào trong trận, cầm cái quạt phe phẩy, cũng thành một trận, rồi đi ra hỏi rằng:

- Ngươi có biết trận này là trận gì không?

Ý nói:

Đó là trận bát quái, làm gì mà chẳng biết?

Khổng Minh nói:

- Đã hay rằng biết, nhưng có dám đánh vào trong trận không?

Ý nói:

- Đã biết sao lại chẳng dám đánh!

Khổng Minh nói:

- Ngươi cứ việc đánh sang đi!

Tư Mã Ý về trận, gọi Đái Lăng, Trương Hổ, Nhạc Lâm dặn ba tướng rằng:

- Trận của Khổng Minh bày ra, dàn theo tám cửa: Hưu, sinh, thương, đỗ, cánh, tử, kinh, khai. Ba người nên từ cửa sinh phía chính đông đánh vào, rồi kéo ra cửa hưu phía tây nam mé chính bắc đánh vào, thì trận này phá được, các ngươi cẩn thận giữ gìn.

Ba tướng vâng lệnh. Đái Lăng đi giữa, Trương Hổ mé trước, Nhạc Lâm ở mé sau. Mỗi người dẫn ba mươi tên kị mã, tự cửa sinh đánh vào. Quân đôi bên reo ầm cả lên. Ba người vào tới trong trận, thấy chỗ nào cũng có quân mã đứng dàn ra như một cửa thành, đánh thế nào cũng không ra lọt. Ba người vội vàng dẫn quân đi lượn qua góc trận, rồi quay qua mặt tây nam, cũng bị quân Thục bắn chặn lại, không thể xông xáo ra được. Trông ra trùng trùng điệp điệp chỗ nào cũng có cửa, không biết đâu là đông tây nam bắc nữa. Ba tướng lạc nhau, mỗi người một nơi, cứ bạ đâu đâm trỗ vào đấy. Một lát, mây mù kéo lên mù mịt, quân Thục reo ầm một tiếng, trói ráo quân tướng Ngụy lại, không thoát một người nào.

Khổng Minh ngồi trong trướng, tả hữu điệu Trương Hổ, Đái Lăng, Nhạc Lâm và chín mươi quân quỳ cả dưới trướng.

Khổng Minh cười, nói:

- Ta bắt được chúng mày, cũng chẳng lấy gì làm lạ. Thôi, tha cho về mà bảo với Tư Mã Ý học lại binh thư, xem lại chiến sách cho nhiều rồi sẽ đánh nhau với ta cũng chưa muộn. Tính mệnh chúng mày ta tha cho đã đành, nhưng khí giới, ngựa nghẻo thì phải để lại đây.

Bèn sai lột hết áo xuống, lấy mực bôi vào mắt, bắt đi chân không, đuổi về trận bên kia.

Tư Mã Ý trông thấy nổi giận, ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Nó làm xấu hổ thế này, còn mặt mũi nào trông thấy các đại thần Trung Nguyên nữa.

Lập tức đốc thúc ba quân, cố chết lăn vào phá trận. Ý cầm gươm, dẫn hơn trăm tướng khỏe, thúc quân xông vào. Quân đôi bên vừa xô xát nhau, bỗng thấy trống đánh tù và thổi, tiếng reo ầm ĩ, rồi có một toán quân của Quan Hưng từ mặt tây nam đánh lại. Ý chia hậu quân ra địch, còn mình cứ việc thúc quân đánh mé trước. Sực lại thấy quân Ngụy nhao nhao chạy tán lạc, thì ra Khương Duy dẫn quân lẻn đánh đến, quân Thục bổ vây xung quanh. Ý dẫn quân cố cắm đầu chạy về phía nam. Quân Ngụy mười phần chết mất sáu bảy. Tư Mã Ý rút quân về mé nam sông Vị hạ trại, giữ vững không dám ra nữa.

Khổng Minh thu quân về trại Kỳ Sơn. Bấy giờ Lý Nghiêm ở thành Vĩnh An, sai đô úy là Cẩu An tải lương đến trại quân. Cẩu An hay rượu, đi đường chậm trễ, sai hẹn mất mười ngày.

Khổng Minh nổi giận quát rằng:

- Trong quân ta, lương thực là việc lớn. Sai hẹn ba hôm, tội cũng đã nên chém, nay sai hẹn mất mười hôm, còn cãi sao được?

Liền quát võ sĩ lôi ra chém.

Trưởng sử Dương Nghi can rằng:

- Cẩu An là người của Lý Nghiêm, mà tiền lương lại ở Tây Xuyên nhiều. Nếu chết người ấy, thì sau này không ai dám đưa lương thực đến nữa.

Khổng Minh mới sai võ sĩ cởi trói, chỉ đánh tám mươi trượng rồi đuổi đi.

Cẩu An bị đòn, trong lòng tức giận, ngay đêm ấy dẫn năm sáu người tùy thân, đến trại Ngụy đầu hàng.

Tư Mã Ý gọi vào. Cẩu An lạy van bày tỏ tình đầu.

Ý nói:

- Khổng Minh lắm mưu, lời mày ta khó tin được. Mày có làm nổi một việc này, thì ta sẽ tâu với thiên tử, cất mày làm thượng tướng.

An thưa:

- Đô đốc có việc gì, tôi xin hết sức?

Ý nói:

- Mày nên trở về Thành Đô, phao tin Khổng Minh có bụng oán chúa, nay mai sẽ tự xưng là vua, để cho chủ mày đòi Khổng Minh về, đó là công to đấy.

Cẩu An vâng lời, về Thành Đô vào ra mắt hoạn quan, vu cho Khổng Minh những điều phản nghịch. Hoạn quan tưởng thực, kinh hãi lắm, lập tức vào cung, tâu lại với vua.

Hậu chủ thất kinh nói:

- Nếu thế thì làm thế nào?

Hoạn quan tâu:

- Nên đòi về Thành Đô tước bớt binh quyền đi, kẻo sinh vạ về sau.

Hậu chủ liền gián chiếu đòi Khổng Minh về triều.

Tưởng Uyển tâu rằng:

- Thừa tướng từ khi cất quân đến giờ, nhiều lần lập được công to, có việc gì mà bệ hạ cho triệu về?

Hậu chủ nói:

- Trẫm có việc cơ mật, muốn bàn luận với thừa tướng, cho nên triệu về.

Sứ giả mang chiếu, khuya sớm ra triệu Khổng Minh về. Khổng Minh tiếp được chiếu chỉ, ngẩng mặt lên trời than rằng:

- Chúa thượng còn ít tuổi, tất có quân nịnh thần ở cạnh. Ta đang muốn lập công, cớ gì lại đòi về? Nếu ta không về, thì là khinh Chúa, mà về rồi thì bao giờ gặp được cơ hội này nữa?

Khương Duy nói rằng:

- Quân ta lui về, Tư Mã Ý thừa thế đuổi theo, thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

- Nay ta rút quân, phải chia làm năm đường mà đi. Ví như trong trại ta có một nghìn quân, thì phải bắc hai nghìn bếp. Ngày nay làm ba nghìn bếp, ngày mai làm tăng lên bốn nghìn, mỗi ngày đắp thêm nhiều bếp.

Dương Nghi hỏi:

- Ngày xưa Tôn Tẫn bắt Bàng Quyên, dùng mẹo giảm bếp. Nay thừa tướng thêm bếp là lí làm sao?

Khổng Minh nói:

- Tư Mã Ý giỏi việc dùng binh, biết quân ta lui tất nhiên đuổi theo. Nhưng trong bụng còn ngờ ta có quân mai phục, tất vào trại ta đếm bếp. Hắn thấy mỗi ngày thêm mãi bếp ra, thì không biết lui hay là không lui, tất sinh nghi mà không dám đuổi theo nữa. Ta cứ từ từ đi về. Không đến nỗi tổn hại binh sĩ.

Tư Mã Ý biết được Cẩu An về thi hành mẹo của mình, chỉ chực quân Thục rút về thì đuổi đánh. Đang nghỉ ngợi, chợt tin báo rằng:

- Trại Thục bỏ không, quân mã rút về cả rồi.

Tư Mã Ý còn ngại Khổng Minh lắm mưu, chưa dám khinh tiến, tự dẫn hơn trăm kị binh đến trại Thục xem xét rồi sai quân sĩ đếm bếp, đoạn trở về trại mình.

Hôm sau, Ý lại sai quân sĩ đến một trại nữa, tra điểm xem có bao nhiêu bếp. Quân sĩ về báo rằng bếp ở trại này hơn trại trước một nửa nữa.

Tư Mã Ý bảo với các tướng rằng:

- Ta tin chắc Khổng Minh lắm mẹo. Nay quả nhiên thêm quân, cho nên bắc thêm bếp. Nếu ta đuổi theo, thì mắc phải mẹo của hắn. Không bằng ta hãy trở về, sẽ liệu kế khác.

Bởi thế Ý dẫn quân về, không đuổi theo nữa. Khổng Minh đem được toàn quân về Thành Đô, không thiệt một người nào.

Cách vài hôm sau, người ở cửa Xuyên lại báo với Tư Mã Ý rằng:

- Khi Khổng Minh rút quân về, chỉ thấy làm thêm bếp, chứ không thấy thêm quân gì cả.

Tư Mã Ý ngẩng mặt lên trời than rằng:

Khổng Minh bắt chước mẹo Ngu Hủ, lừa được ta rồi. Mưu lược ấy, ta thực chịu không bằng.

Bèn dẫn đại quân về Lạc Dương.

Ấy là:

Cao cờ lại gặp cao cờ đấy.

Đối thủ ai nào dám rẻ ai?

Chưa biết Khổng Minh về Thành Đô ra thế nào, xem hồi sau phân giải.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.