Quân Vương Ngự Nữ

Chương 106: Gặp gỡ




Trần Tĩnh Kỳ: "..."

Hai thầy trò nhà sư: "..."

Bao Tự, quan huyện Lưu Tuấn Nghĩa cùng những người đang có mặt ở tại công đường: "..."

Tất cả đều im lặng, trố mắt mà nhìn Lê Ngọc Chân. Câu đối của cô thôn nữ này... cũng không khỏi quá tục đi! Thậm chí so với câu đối trước đó ngoài đồng ruộng còn có ý xúc phạm nặng nề hơn!

Nếu như ở câu đối trước, Lê Ngọc Chân chỉ đem hai cái đầu của hai thầy trò nhà sư đối với cái ấy của mình thì trong câu đối lần này, nàng cho cái đầu của nhà sư chui vào chỗ kia luôn! ("sư sãi đáo hậu lai")

- Ngươi... ngươi... khục khục...!

Vị sư già Nan Ngộ tức muốn thổ huyết, nhưng nhất thời lại chẳng biết phải phản bác ra làm sao.

- Hừm!

Qua một thoáng "sững sờ bất động", Trần Tĩnh Kỳ rốt cuộc cũng lấy lại phong phạm của bậc dân chi phụ mẫu. Hắn phán xử:

- Câu đối của Lê Ngọc Chân tuy hơi thất lễ, nhưng thực sự có tài, mà xét về chữ nghĩa thì vế đối chỉnh hơn của nhà sư. Ta tuyên bố: Lê Ngọc Chân thắng cuộc! (Ai không hiểu thì xem kỹ lại câu đối nhé)

- Quan lớn...!

Hai thầy trò nhà sư tái mặt kinh hô.

- Im miệng!

Mắt thấy hai thầy trò nhà sư còn chưa chịu phục, Trần Tĩnh Kỳ liền đập mạnh xuống bàn:

- Gieo nhân nào ắt gặp quả ấy, nếu hai thầy trò các ngươi không buông lời khiếm nhã, miệt thị người khác thì há phải chịu nhục? Các ngươi nói chỉ muốn khoe tài văn chương, ta đã cho các ngươi cơ hội thi thố, thắng không được đấy là do các ngươi kém tài, còn hô hoán cái nỗi gì?

- Lính đâu, mau lôi hai tên sư này ra! Sư lớn đánh hai mươi trượng vì cái tội tu hành mà tâm còn vọng động, nhục đến thiền môn; sư nhỏ đánh mười trượng để răng dạy cho hắn biết không được học theo điều xấu của thầy mình!

Lệnh vừa ban ra, bốn tên lính hầu ngay lập tức chấp hành, đem vị sư già Nan Ngộ và sư trẻ Minh Tâm kéo ra phía trước huyện đường, trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ mà vung gậy đánh.

- Hì hì...

Lê Ngọc Chân ngoái đầu nhìn xem hai thầy trò nhà sư đang bị trừng trị, nét mặt cười vui, hướng Trần Tĩnh Kỳ cảm tạ.

Trần Tĩnh Kỳ hỏi han nàng thêm mấy câu, sau đó cho phép nàng cưỡi trâu ra về.

- Bãi đường!

...

Buổi trưa hôm đó Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự ở lại huyện nha dùng cơm cùng với Tri huyện Lưu Tuấn Nghĩa. Nhân cơ hội này, Trần Tĩnh Kỳ đã chủ động bắt chuyện, thông qua Lưu Tuấn Nghĩa tìm hiểu thêm về tình hình phong hoá, trị an của huyện An Khuê.

Hai người trò chuyện rất lâu, đến lúc xế chiều mới dứt. Vốn Lưu Tuấn Nghĩa còn muốn lưu giữ, song Trần Tĩnh Kỳ đã kiên quyết từ chối. Khoảng giữa giờ thân, hắn và Bao Tự cùng nhau cưỡi lừa rời khỏi huyện nha, phản hồi phủ Án sát sứ.

Trong lòng Bao Tự thầm hô lạ. Bởi vì trước đó, theo như nàng để ý thì rõ ràng Trần Tĩnh Kỳ khá hứng thú với cô thôn nữ Lê Ngọc Chân kia, còn nói muốn tìm tới nhà. Ấy vậy mà sau khi xử vụ tranh chấp xong, cả buổi chiều hắn đều ở lại huyện nha, cùng Tri huyện Lưu Tuấn Nghĩa hỏi han chuyện trò, từ đầu tới cuối đều chẳng nhắc gì đến cái tên Lê Ngọc Chân ấy nữa.

"Chắc chỉ là hứng thú nhất thời", Bao Tự cuối cùng kết luận như vậy.

Nhưng nàng đã sai.

Trần Tĩnh Kỳ thực chất vẫn rất lưu tâm đến Lê Ngọc Chân. Qua một đêm, buổi sáng thức dậy, vừa ăn điểm tâm sáng xong thì hắn liền dắt lừa ra cửa, một lần nữa đi xuống huyện An Khuê.

Bao Tự trong bụng không khỏi vì cô thôn nữ Lê Ngọc Chân kia mà lo ngại, cũng nhanh chóng cưỡi lừa theo sau.

Hai người đi từ giờ thìn, đến giờ tỵ thì tới được thôn Đoài. Dựa theo những thông tin đã nắm được về Lê Ngọc Chân ở huyện đường hôm qua, Trần Tĩnh Kỳ hỏi han tìm kiếm, chả mấy chốc liền tìm ra.

Cũng giống như các hộ nông dân khác, nhà của Lê Ngọc Chân rất chân phương mộc mạc. Còn chưa tới ngõ, Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự đã nhìn thấy một cây hoa gạo mọc ở bên hông nhà. Nó khá cao và thẳng, trên cây hoa đã nở đầy. Những bông hoa có màu đỏ rực rỡ, mỗi bông gồm năm cánh hoa xòe rộng, cánh hoa dày và to...

Theo y học, loài cây này không chỉ để che bóng mát, điểm tô phong cảnh mà còn có nhiều tác dụng hữu ích khác nữa. Ví như vỏ cây hoa gạo tính bình nên có thể dùng để thanh nhiệt, lợi thấp; hoa gạo tính ngọt, mát có thể dùng để trị tiết tả, thanh nhiệt, giải độc, hay thậm chí là để ướp trà; ngoài ra rễ và lá của cây hoa gạo cũng có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh... Nói chung thì đây là một loài cây đem lại nhiều lợi ích.

Chỉ có điều, ở phố phường, thành trấn, hiếm khi người ta trồng loại cây này. Thường thấy chăng là chốn thôn quê dân dã, giống như nơi này.

Qua tìm hiểu, Trần Tĩnh Kỳ biết đối với người dân ở các thôn xóm, làng xã của huyện An Khuê, cây hoa gạo từ lâu đã gắn liền với đời sống của họ. Cứ mỗi độ tháng ba về là hoa gạo lại khoe sắc, bung nở trên khắp các nẻo đường. Giữa cánh đồng bao la hay cạnh đình làng rêu phong cổ kính, khung cảnh khắp nơi đều nhuộm một màu đỏ rực, như càng tô đậm thêm vẻ đẹp yên bình của chốn thôn quê bình dị, khiến bao người phải xao xuyến mỗi khi có dịp ngang qua ngắm nhìn.

Khi gần đến ngõ, Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự cùng rời khỏi lưng lừa, đi bộ vào trong.

Gâu! Gâu!

Gâu...!

Bỗng, từ bên trong nhà, những tiếng chó sủa vang lên. Kế đó, một con chó có bộ lông màu vàng chạy ra, cảnh giác nhìn Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự, lại sủa thêm mấy tiếng.

Gặp cảnh này, Trần Tĩnh Kỳ buộc phải ngưng ngay bước chân, chờ gia chủ ra gặp.

- Vàng!

Chẳng lâu, một giọng nam nhân trầm ổn cất lên. Từ bên trong căn nhà, một người trung niên tuổi độ bốn chín năm mươi tiến ra. Hắn mặc trên mình một bộ đồ màu xám viền đen, trên đầu tóc được buộc bởi một đoạn dây bằng vải màu xanh, để râu, râu dài tầm ba đốt tay.

Con chó Vàng vừa nhìn thấy vị trung niên thì liền quay đầu chạy lại, theo sát bên chân, thôi không sủa nữa.

"Người này hẳn chính là thân phụ của Lê Ngọc Chân: Lê Công Lượng."

Trần Tĩnh Kỳ thầm nghĩ, rồi chắp tay, hữu lễ chào hỏi.

- Ngươi là...?

Lê Công Lượng khó tránh nghi hoặc. Hắn nhớ là mình chưa từng gặp người thanh niên trước mặt bao giờ.

Trần Tĩnh Kỳ nhẹ mỉm cười, tự mình giới thiệu.

- Hoá ra là Án sát sứ đại nhân.

Lê Công Lượng nghe xong, liền đối với Trần Tĩnh Kỳ chắp tay hành lễ. Dân gặp quan, lễ tiết là không thể bỏ qua, kể cả khi vị quan này so với Lê Công Lượng hắn còn nhỏ tuổi hơn nhiều.

Trần Tĩnh Kỳ vẫn thầm lưu tâm quan sát, nhận thấy Lê Công Lượng tuy cúi đầu hành lễ nhưng ngữ khí lẫn nét mặt so với trước cũng chả sai biệt bao nhiêu, dạ mới thầm khen.

- Tiên sinh không cần phải đa lễ.

Trần Tĩnh Kỳ đưa tay nâng đỡ, kế đó hỏi:

- Tiên sinh hẳn đã nghe Ngọc Chân kể về ta?

- Khuyển nữ trẻ người non dạ, tính tình xốc nổi, đã phiền hà đến đại nhân, mong đại nhân lượng thứ.

- Con gái của tiên sinh nào có làm phiền gì ta, trái lại ta còn thấy nàng rất thông minh lanh lợi, cơ trí hơn người. Có thể dạy dỗ ra một nữ nhi như vậy, cái tài của tiên sinh hẳn cũng không thấp.

- Đại nhân, ngài đã đề cao Công Lượng tôi rồi.

Sau mấy câu chào hỏi phần nhiều xã giao, Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự được Lê Công Lượng mời vào trong nhà. Cũng lúc đó, để tiện việc tiếp đón, Lê Công Lượng đã cho các học trò đang ngồi học của mình ra về sớm.

- Tiên sinh, có vẻ như ta đã làm phiền tiên sinh rồi.

Lê Công Lượng tự tay châm trà, nhẹ lắc đầu:

- Buổi học thật ra cũng đã sắp kết thúc, chỉ là sớm hơn hai khắc mà thôi.

Đem bình trà để xuống, Lê Công Lượng lúc này mới hỏi thẳng:

- Đại nhân, không biết hôm nay đại nhân đến nhà Công Lượng tôi là vì chuyện gì?

- Hiếu kỳ.

- Hiếu kỳ?

Trần Tĩnh Kỳ gật đầu, trên môi nở một nụ cười thân thiện:

- Phải. Như mới nãy ta có nói, ta thấy con gái của tiên sinh thông minh lanh lợi, cơ trí hơn người, lại nghe nàng bảo có phụ thân là thầy dạy chữ nổi danh, vì thế cho nên muốn tìm gặp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.