Ma Thổi Đèn

Quyển 6 – Chương 7: Cổ ngọc dưới biển




Bên trong cái hòm cuối cùng của Võ thọt đựng đầy các loại ngọc cổ hình thù kỳ lạ, có miếng hình như mảnh sứ, lại có miếng như khúc xương khô, cũng có miếng như sừng thú răng thú, không chỉ hình dạng cổ quái đặc thù, mà màu sắc của những miếng ngọc này cũng pha tạp loang lổ. Vì mấy món này đều là đồ ở bên trong tàu đắm, bị môi trường tự nhiên dưới đáy biển xâm thực, nên chủ yếu là màu xám tro, nhưng cũng có một số phần vẫn giữ được nguyên màu cũ, hoặc đổi sang màu vàng vàng như củ gừng hay màu giống màu tương thối, cũng có miếng lốm đốm như màu táo đỏ.

Răng Vàng hiểu nghề ngọc nhất, vừa trông thấy thứ trong hòm, cái răng vàng cùng đôi mắt liền lập tức sáng rực lên. Phàm là ngọc cổ nghìn năm vớt dưới biển lên, xưa nay vốn chẳng có món nào là hoàn mỹ cả. Cổ nhân giữ ngọc xưa nay có ba điều kỵ: kỵ dầu, kỵ bẩn và kỵ tanh, những vật dầu mỡ sẽ bít kín những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt ngọc, khiến chất ngọc không thể óng ánh tươi nhuận được như ban đầu, làm mất đi ánh sáng xanh vốn có của tủy ngọc bên trong. Ngọc cổ dưới biển bị ngâm nước suốt cả một thời gian dài, chất tanh trong nước biển, và những thành phần như muối chát[14] hay vật ô uế làm bít kín những cửa thông hơi của miếng ngọc, khiến cho chất ngọc tổn thương rất lớn.

Minh Thúc cũng là người biết hàng, nhưng sở trường của lão là dựa vào khoản thức hình dạng của món đồ để nhận biết xem đó là hàng thật hay giả, trông thấy số đồ ngọc này toàn là những thứ tạo hình cổ quái hiếm thấy, đoán rằng niên đại cũng khá xa, bèn thì thầm thương lượng với Răng Vàng xem hòm thanh đầu này liệu đáng giá bao nhiêu?

Răng Vàng nhe hàm răng đầy bựa của y ra nói: “Những thứ này sợ đã ở dưới đáy biển không dưới mấy nghìn năm đâu, tuyệt đối không phải là thứ vớt được trong các thuyền đắm trên tuyến đường biển đi qua đây. Mức độ bảo tồn rất không đồng đều, nhưng nhìn hình dáng thì lại đều là cổ vật thời Thương Chu, trên hòn đảo chơi vơi giữa biển này lại gặp được những món hàng thật như vậy đúng là khiến người ta khó hiểu. Bác xem có những chỗ vẫn còn lấp lánh phát quang như pha lê, đúng là muôn màu muôn vẻ. Có điều ngọc cổ chính là vậy đấy, càng cổ lại càng kỳ quái, người thế tục làm sao hiểu được cái lẽ nhiệm mầu bên trong? Theo tôi, cái đống này bảo đáng tiền thì đáng tiền, bảo không đáng tiền thì cũng không đáng tiền, có đáng hay không thì phải xem nói thế nào đã.”

Răng Vàng, Tuyền béo và Minh Thúc chụm đầu thì thầm xem nên mặc cả làm giá với Võ thọt thế nào, còn tôi thì lại nhìn đống đồ ngọc trong hòm gỗ mà ngẩn ngơ một hồi. Trong mộ Hiến Vương ở Vân Nam, tôi đã từng thấy vô số kỳ trân dị bảo, trong số đó cũng có rất nhiều đồ ngọc thời Tần Hán, nhưng những món đồ ngọc vớt dưới biển lên này vẫn khiến tôi cảm thấy hết sức kinh ngạc. Toàn bộ đều là ngọc cổ thời Ân Thương, chẳng những vậy, tạo hình cực kỳ hiếm thấy, đặc biệt là có một bức tượng đầu người con gái, mặt mũi điêu tạc giống hệt như thật, trên đầu đội mũ Ngư cốt, phần cổ thon dài phủ đầy vảy như vảy rắn. Vì chỉ có phần đầu, từ dưới cổ trở xuống không biết có hay không, nên cũng không thể nhìn ra nguyên bản vốn là đầu người mình rắn hay là tạo hình kỳ dị nào khác. Cái đầu người bằng ngọc này bình sinh tôi chưa từng thấy bao giờ, thậm chí cũng chưa cả nghe nói đến có một thứ nào như vậy.

Những món đồ ngọc cổ quái hiếm thấy này đều rất dễ phân biệt thật giả. Từ thời Tống đã có người dùng máu gà ngâm ngọc để ngụy tạo những vết vằn màu đỏ giống như dấu vết do xác chết thối rữa để lại trên ngọc trong mộ cổ, hoặc cũng có người đem ngọc đun trong chảo dầu hay ngâm vào hố xí, nhưng những người trong nghề chỉ cần xoa xoa lòng bàn tay rồi cầm lên, ắt sẽ phân biệt được ngay đâu là thật đâu là giả. Chúng tôi giám định sơ qua, liền biết ngay số hàng trên tay Võ thọt đích thực đều là di vật từ thời thượng cổ, lẽ nào bức tượng ngọc hình đầu người con gái ấy, chính là cổ vật của nước Hận Thiên mà giáo sư Trần nhắc tới? Xem ra vùng biển vực xoáy San Hô này quả nhiên không đơn giản, tôi lập tức hỏi thăm tay chủ quán rượu Võ thọt ấy, rốt cuộc thùng hàng này ở đâu mà ra?

Võ thọt đáp: “Người anh em à, các vị đều là người làm ăn trong nghề, tôi cũng không dám giấu giếm, nói thực cho các vị biết, mấy tháng trước có sóng thần, dưới biển nổi lên một cái xác thú khổng lồ, nước rút đi để lại cái xác trên bờ biển. Thời tiết nóng bức nên cái xác ấy thối rữa rất nhanh, không ai nhìn ra nó rốt cuộc là loài thú biển nào, nhưng thể hình thì phải to hơn cả cá voi lưng gù nữa, chắc có lẽ là một loài quái vật sống ở vùng biển sâu. Trong bụng con hải thú khổng lồ ấy có xác của một con thuyền nhỏ, mấy món hàng này đều ở bên trong khoang thuyền đó. Các vị ngửi mùi có phải thấy tởm lợm buồn nôn lắm hay không? Nghĩ đủ cách rồi mà cũng không làm cho hết mùi được. Tôi thấy rất có khả năng là có tên đen đủi nào đấy đi vớt thanh đầu gặp bão, bị nhấn chìm xuống đáy biển, rồi lại để quái vật kia nuốt vào bụng. Sau cùng, các ngư dân tìm được số ngọc này rồi bán lại cho tôi.”

Võ thọt cho rằng hàng của mình là hàng độc, đương nhiên là hét giá thật cao. Trong rừng san hô dưới đáy biển đích thực là còn một lượng lớn các di tích cổ xưa, nhưng có thể tìm được lại không nhiều. Những đồ ngọc này đều bị tổn hại, chẳng những vậy còn bị ngâm dưới đáy biển một thời gian dài, phẩm chất màu sắc không được đẹp, nhưng niên đại vẫn còn rành rành ra đấy, hàng kiểu như vậy mấy chục năm mới gặp được một lần, chỉ cần muốn bán thì lúc nào cũng không thiếu người muốn mua.

Tôi nghe anh ta kể lể mà nửa tin nửa ngờ, ai biết được đây là hàng moi được trong bụng con hải quái hay là đồ ăn cướp của bọn hải tặc nhờ anh ta tiêu thụ hộ. Nhưng chuyện này không hề quan trọng, quan trọng là chúng tôi đã nhìn trúng số hàng này, vạn nhất mà không tìm được Tần Vương Chiếu Cốt kính, nhặt ra vài món ngọc cổ của nước Hận Thiên giao cho giáo sư Trần, ít nhiều cũng còn có cái để tiện ăn nói.

Lúc này bọn Răng Vàng cũng đã bàn bạc xong xuôi, tôi ngầm ra hiệu cho Răng Vàng đi mặc cả với Võ thọt. Răng Vàng lập tức nhe răng cười khì khì với đối tác: “Chú Võ này, chú đừng thấy mình chuyên làm cái nghề giao dịch thanh đầu này mà tưởng lầm, chưa chắc chú đã hiểu được đạo của kẻ chơi ngọc đâu nhé! Nói thực một câu, mấy món hàng này của chú cũng phỏng tay lắm đấy.”

Giao dịch thanh đầu cũng thế, mà buôn bán trao tay minh khí cũng thế, nếu cả hai bên mua bán đều là dân trong nghề, thì sẽ khác hẳn với kiểu một mua một bán bình thường. Thứ nhất là bởi ngày tháng sau này còn dài, làm cái nghề này không thể buôn bán kiểu mua đứt bán đoạn với đồng nghiệp được. Hai là ngành đồ cổ vốn đòi hỏi có con mắt nhìn hàng, sự quả quyết và tiềm lực tài chính, không trang bị đầy đủ kiến thức là không được, hai bên mua bán đàm phán giá cả không bao giờ tranh cãi mấy đồng tiền lẻ, mà là dùng lý lẽ để khiến đối phương phải khâm phục. Anh nói thứ này đáng tiền hay không đáng tiền, vậy thì cũng phải giải thích được để cho người ta tín phục, vì vậy chơi đồ cổ mới được gọi là thú chơi văn nhã, không thể qua loa giống như mua gia súc gia cầm được. Sau mỗi bận mua bán đồ cổ, người mua người bán đều được mở rộng kiến thức một phen, bởi thế, giao dịch giữa những người trong nghề với nhau chú trọng vào việc có thể nâng cao trình độ của mình, còn giá tiền ngược lại chỉ là thứ yếu, vì có một số thứ, dẫu bỏ tiền ra cũng không thể mua về được.

Võ thọt thấy Răng Vàng muốn vòng vo Tam Quốc, tuy trong lòng không cho là vậy, nhưng cũng chỉ còn biết rửa tai cung kính lắng nghe. Răng Vàng vừa uống bia vừa lan man dông dài giảng giải một đống những lý luận cao siêu. Thời Chiến Quốc trở về trước, dân gian căn bản không được phép mua bán đồ ngọc, vì bấy giờ đồ ngọc đều là vật phẩm chuyên dụng dành cho giai cấp đặc quyền, tượng trưng cho thân phận và địa vị. Bởi vậy, các nghệ nhân đổ đấu thời đó có đi đổ đấu mò vàng, cũng không bao giờ lấy đồ ngọc, mà chỉ chuyên nhắm vào vàng bạc. Sau này một số nhà khảo cổ tìm được mộ cổ, phát hiện ra “kim lũ ngọc y” trên người mộ chủ đều đã bị dỡ tung cả ra, những miếng ngọc giá trị liên thành thì vứt rải rác đầy dưới đất, nhưng tơ vàng đính trên miếng ngọc lại bị đám trộm mộ cạo bằng sạch mang đi. Đây chính là vì thời đó xã hội không cho phép ngọc thạch được lưu thông, kẻ nào dám bán ngọc trên phố chứ? Thế có khác gì tự mình đến nha môn tự thú đâu?

Nhưng thời đại của chúng ta lại khác rồi, ngay ở Phan Gia Viên thôi cũng thường xuyên có thể gặp được ngọc cổ. Những món đồ ngọc này đa phần đều là minh khí trong mộ cổ. Môi trường trong mộ khác với nhân gian, khiến cho những đồ ngọc ở bên trong đều bị ảnh hưởng. Trong mộ cổ thứ gì cũng có, có mộ bên trong để vôi bột hay cát mịn, cũng có mộ đổ thủy ngân... Chứa đá vôi là để gia cố, giữ cát mịn là để phòng trộm... Cộng thêm môi trường lòng đất bị xâm thực của mộ cổ, đồ minh khí bên trong đa phần đều bị “tẩm”, cũng có người gọi là bị “ngấm”, đại khái ý tứ cũng giống nhau.

Màu sắc của ngọc sau khi bị “ngấm” hết sức đa dạng, thông thường người ta đều dựa vào màu sắc để phân biệt. Màu vàng thường hay gặp ở mạn Thiểm Tây, Nội Mông, gọi là thổ tẩm, màu xám tro gọi là thạch khôi tẩm, màu trắng là thủy tẩm, màu đen là nhiều nhất, được gọi là chu sa tẩm hoặc Thần Châu tẩm, màu tím thì là do xác chết thối rữa ủ thành, gọi là thi huyết tẩm, màu xanh là do tiếp xúc với đồ bằng đồng xanh mà sinh ra, gọi là đồng tẩm. Ngoài ra, ngọc thạch vốn cũng có màu sắc riêng như đen, xanh, lục, vàng, trắng... trong đó màu trắng là quý nhất.

Cổ nhân lấy ngọc để so sánh với đức độ, chứng tỏ ngọc và nhân tính tương thông, nhưng thứ ngọc đã bị “ngấm”, bị “tẩm” thì lại không tiện để gần người. Mấy món hàng tìm được dưới biển này đích thực là ngọc có giá trị rất lớn, khổ nỗi lại đều bị những vật tanh hôi trong nước biển xâm thực, vả lại còn đã ăn ngấm sâu đến tận tủy ngọc bên trong, thoạt nhìn ngỡ như mấy hòn đá, người biết thì cảm thấy đáng tiếc, còn kẻ không biết thì nghĩ là đồ giả. Cách duy nhất là tìm người ủ ngọc. Muốn ủ cho số ngọc cổ này “sống lại”, khiến chất ngọc và màu sắc của “tẩm” tôn nhau lên trở thành nét đẹp mới, phải tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc đây? Phàm muốn ủ những loại ngọc cổ thế này nhất thiết phải tìm gái còn trinh, tốt nhất, là các cô khoảng mười tám mười chín, tướng mạo không xinh đẹp cũng không được, mà không phải khuê nữ nhà danh giá cũng không được. Cô gái ấy nhất thiết phải để ngọc sát bên cạnh mình, quanh năm suốt tháng không được rời xa, tốn hai ba năm ủ được một miếng ngọc cũng là khá lắm rồi. Đáng tiếc, chúng ta tìm đâu ra nhiều gái trinh đến thế? Nếu có tiền thuê từng ấy cô xinh đẹp như hoa để ủ ngọc, bọn chúng tôi cũng cần quái gì phải bôn ba nghìn dặm đến đây kiếm về mấy cục đá vô dụng này chứ? Vả lại tìm nhiều cô quá, vấn đề tác phong của chúng tôi đây cũng rất dễ bị nghi ngờ, mấy bà mấy cô ở nhà không chịu đâu. Vì vậy, tôi mới nói số hàng này nhà chú cũng phỏng tay lắm, mang về Bắc Kinh chưa chắc có thể lập tức bán đi ngay, mà cũng không biết sẽ đọng vốn mất bao nhiêu lâu nữa đấy.

Cổ ngọc dưới biển khó ủ, đó chỉ là một việc. Còn có vấn đề khác chết người hơn: kỳ thực những nhà sưu tầm ưa thích ngọc cổ có lẽ cũng không để ý xem màu sắc bị ngấm thế nào, bọn họ mua về rồi tự tìm người ủ lấy cũng được. Phàm là ngọc cổ đều ngấm sắc rất đậm, càng lâu năm lại càng tối màu, một khi được ủ cho “sống lại”, các màu sắc bấy giờ mới lộ ra chân diện mạo, toát lên những màu lạ đượm vẻ cổ xưa, có thể nói là kỳ tuyệt vô cùng. Nhưng người xưa đã đem ngọc ra so với người, mà người thì cũng chia làm chín mười loại, thế nên ngọc cổ dĩ nhiên cũng có phân biệt cao thấp quý hèn. Ngọc cổ thời Ân Thương, Xuân Thu Chiến Quốc, chất liệu chỉ là thứ yếu, mà đa phần đều dùng hình thức để phân cao thấp. Trong các loại ngọc cổ thì khuê[15], chương[16], bích[17], hổ[18], hoàng[19], tông[20] là thuộc hàng thượng phẩm, những đồ tế, ngọc bội thì là thứ hai, còn những món đồ nhỏ vụn vặt là thứ ba. Nhưng nhìn cả đống hàng này của chú mà xem, chẳng dính dấp gì đến ba loại ấy cả, hình dáng cổ quái ly kỳ, thiếu giá trị thẩm mỹ và giá trị sưu tầm, những người máu mê đồ cổ chưa chắc gì đã chịu móc tiền ra đâu.

Những thứ đồ minh khí, hàng thanh đầu này, quan trọng nhất là phải được người ta công nhận, nhưng nếu chẳng ai nói ra được mấy thứ này xuất xứ lai lịch thế nào, vậy thì cùng lắm cũng chỉ còn lại một chút giá trị nghiên cứu mà thôi. Có điều, có nghiên cứu ra được gì hay không thì cũng khó nói lắm, vả lại, còn một khuyết điểm trí mạng nữa là mấy món này cũng không được toàn vẹn cho lắm...

Răng Vàng thao thao bất tuyệt một hồi, vẫn còn định tán tiếp nhưng Võ thọt thì đã ngồi không yên, anh ta đâu có ngờ cái nghề chơi ngọc lại lắm điều nhiều lệ đến thế, chỉ biết nghe mà tâm phục khẩu phục, kinh hãi không thôi, cứ luôn miệng một điều bội phục hai điều bội phục, rồi tình nguyện hạ giá thấp xuống bán cho chúng tối, coi như là trả tiền học phí. Anh ta nói với Răng Vàng: “Làm ăn ở đây đúng là ếch ngồi đáy giếng, có cơ hội tôi nhất định phải đến Phan Gia Viên để học hỏi một phen.”

Răng Vàng là hạng lưu manh giả danh hiệp nghĩa, lập tức vỗ ngực hứa hẹn chỉ cần Võ thọt đến Bắc Kinh, ăn uống đi lại chơi bời đều do mình bao hết, thôi thì: “Đông Tây Nam Bắc thảy đều là huynh đệ, ngũ hồ tứ hải cũng là người một nhà, bọn chúng ta ra ngoài làm ăn là vì cái gì chứ? Vì tiền? Tiền là cái cục phân, tiền nhiều tiền ít cái gì, nhắc đến tiền là thấy chán rồi, tầm thường, tầm thường quá! Chúng ta đây cả đời này lăn lộn, cũng chỉ vì một chữ ‘nghĩa’ mà thôi, phải vậy không các vị?”

Võ thọt chỉ biết trợn mắt há hốc miệng ra nghe, vụ làm ăn này coi như đã được Răng Vàng định đoạt. Lần này tuy lúc xuất phát ở Bắc Kinh không được thuận lợi lắm, nhưng xuống miền Nam, mới ngày đầu đến đảo Miếu San Hô đá bất ngờ vớ được một món bở, không to cũng chẳng nhỏ rồi. Sau khi giao dịch xong xuôi, tôi nhớ ra vẫn còn chuyện quan trọng nhất chưa làm, bèn dò hỏi Võ thọt xem có kiếm đâu được một con thuyền có thể ra khơi không? Không cần lớn quá, nhưng nhất thiết phải chắc chắn kiên cố, chịu được sóng to gió lớn ngoài khơi xa, chỉ cần vừa ý thì tiền nong cũng không thành vấn đề.

Võ thọt bảo chuyện này thực quá đơn giản, mấy vị cứ theo tôi. Nói đoạn, anh ta dẫn cả bọn đi vòng qua làng chài ra vách đá phía sau. Đảo Miếu San Hô bốn phía nhô ra biển, phần giữa hõm xuống, tựa như một đóa hoa sen nở giữa biển trời xanh biếc. Toàn đảo chỉ có hai chỗ khuyết ở mé Đông Nam và Tây Nam là đậu thuyền được, ngoài ra bên dưới vách đá còn có một hang động ngập nước, có thể ở trong hang đợi khi nước triều lên mà ra biển. Lúc đi trên vách đá đến hang nước ấy, tôi đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy trời nối liền biển, biển nối liền trời, trời xanh biển biếc gió lặng sóng yên, trong lòng bèn thầm cầu khấn, chỉ mong lúc chúng tôi ra biển thời tiết cũng được như thế này.

Đi xuống vách đá, vào trong hang động, liền phát hiện bên trong có đậu khá nhiều thuyền bè đủ loại, chẳng những vậy mà niên đại nào cũng có, thuyền đánh cá, thuyền hàng cỡ nhỏ, thuyền buồm gắn động cơ... không thiếu thứ gì. Ngoài một số thuyền của ngư dân trên đảo, cũng có những tàu thuyền gặp sự cố trên biển bị bỏ lại đây duy tu, hay của các đội trục vớt tìm kiếm báu vật để lại. Trong hang còn có những khẩu hỏa pháo kiểu cũ trên các con tàu thời xưa, nghe nói nơi này từng bị hải tặc chiếm cứ, những con tàu và hỏa pháo ấy đều đã có đến mấy trăm năm lịch sử.

Võ thọt dẫn chúng tôi đi xem mấy con tàu, tôi không thông thạo mấy việc tàu bè này cho lắm, nên nhiệm vụ tìm thuyền toàn bộ đều giao cho Minh Thúc làm chủ. Yêu cầu của lão già cực kỳ hà khắc, xem mấy lượt mà cũng chẳng có con tàu nào vừa ý. Tàu bè ở đây, cái nào cũng đều thiếu một số trang bị chúng tôi cần nhất.

Minh Thúc vốn đã kén cá chọn canh, đối với việc lựa chọn tàu bè ra biển lại càng cực kỳ cẩn thận, vì sau khi ra khơi, tính mạng tài sản của lão đều phải dựa vào con tàu cả. Rốt cuộc, Võ thọt cuối cùng cũng hiểu ra: “Mấy vị đây ra khơi ắt hẳn có vụ gì lớn lắm phải không? Tôi thấy các vị cũng không giống như mấy người đi vớt thanh đầu bình thường, mấy con tàu thường này căn bản không đạt yêu cầu đâu. Thực không dám giấu, sâu trong hang này còn một con tàu cũ, năm xưa từng được đội thám hiểm người Anh cải tạo qua một lần, nhưng đám người Anh ấy chưa kịp ra khơi thì đã chết tiệt không rõ nguyên nhân, con tàu của họ đến nay vẫn còn để đấy. Có điều, con tàu đó... tôi thật cũng không biết nên hình dung nó như thế nào nữa, chỉ có thể nói là... tà môn thôi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.